“Cảm tính” cái bẫy ngọt ngào khi đi mở cửa hàng.

Làm việc trong lĩnh vực phát triển cửa hàng tôi chứng kiến nhiều chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty vừa, nhỏ gặp khó khăn trong việc chọn mặt bằng. Họ thường ôm đồm nhiều vai trò, từ vận hành, tài chính, nhân sự đến tìm kiếm và chọn mặt bằng.
Tuy nhiên, khi được hỏi về tiêu chí chọn mặt bằng, nhiều founder lại lúng túng. Họ chỉ biết rằng cần chọn khu vực đông dân cư và mặt bằng đẹp. Nhưng “đông” và “đẹp” là gì? Rất ít người có định nghĩa rõ ràng về những khái niệm này và thường lúng túng khi trả lời.
Sau khi được hướng dẫn, các chủ cửa hàng dần hình thành tiêu chí và bản đồ khu vực phù hợp để mở cửa hàng. Tuy nhiên, tới lúc đưa ra quyết định chọn mặt bằng thì không phải ai cũng ra quyết định dựa trên số liệu và thường lại “nghe theo con tim” hơn là “nghe theo lý trí”.
Vì sao chọn mặt bằng theo cảm tính là “cái bẫy”?
Dựa vào cảm giác chủ quan: Khi chọn mặt bằng theo cảm tính, bạn dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như:
– Vẻ đẹp bên ngoài: Mặt tiền đẹp, sang trọng, thu hút ánh nhìn.
– Cảm giác “ưng ý”: Vị trí “hợp nhãn”, “thuận mắt”, “có cảm hứng”.
– Lời khuyên từ người thân, bạn bè: “Mình thấy chỗ này tốt”, “Bạn mình mở cửa hàng ở đây đông khách lắm” trong khi người đó làm lĩnh vực chẳng giống của bạn.
– Thiếu cơ sở dữ liệu: Việc chọn mặt bằng dựa trên cảm tính thiếu đi sự hỗ trợ của dữ liệu, dẫn đến những quyết định thiếu chính xác.
Nguy cơ thất bại cao: Chọn mặt bằng không phù hợp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, thậm chí dẫn đến thất bại.
Làm thế nào để tránh “cái bẫy” này?
– Xác định tiêu chí rõ ràng: Dựa trên loại hình kinh doanh, khách hàng mục tiêu, ngân sách, v.v., hãy xây dựng một bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá mặt bằng.
– Thu thập dữ liệu: Tìm hiểu về mật độ dân cư, lưu lượng giao thông, đối thủ cạnh tranh, v.v. của khu vực bạn muốn mở cửa hàng.
Kết hợp lý trí và cảm xúc: Đừng bỏ qua hoàn toàn cảm xúc của bạn, nhưng hãy sử dụng nó như một yếu tố bổ sung cho quyết định dựa trên dữ liệu và lý trí.
Để lại lời nhắn