Công nhân mặt bằng

Tôi từng làm việc cho 3 chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn tại Việt Nam, chính vì đó nên cũng hiểu khá rõ về phát triển cửa hàng cho những loại mô hình sản phẩm/dịch vụ có tính tiện lợi và trong thời gian đó bản thân cũng được học hỏi và làm việc trực tiếp cùng các từ các chuyên gia nước ngoài lĩnh vực này. Vì vậy, tôi thường rất “THÍCH KHUYÊN” người khác làm cái này đúng cái kia sai. Tôi cho rằng với kiến thức của mình, tôi có thể giúp mọi người mở cửa hàng đều thành công. Nghĩ lại thấy ngày xưa ngáo ngơ thiệt giờ thì cũng bớt nhưng lâu lâu cũng ngứa miệng lại nói lung tung beng, kakaka. “Bớt nha Minh” câu nói hay nhắc nhở bản thân mỗi khi nổi máu lên.
Tuy nhiên, sau một thời gian trải nghiệm tự kinh doanh, tư vấn đồng hành rất nhiều dự án, từ mô hình cửa hàng đồ uống, giáo dục, siêu thị.. cho đến những cửa hàng bán những sản phẩm rất độc lạ như chuột Hamster, kiến, chó… tôi dần nhận ra rằng mình đã quá thiếu hiểu biết, vội vàng và quy chụp. Ví dụ như đối với những mô hình kinh doanh có tính tiện lợi thì việc nhận diện cần một cái tay vẫy là cực kỳ quan trọng nhưng trong khi đó có những mô hình không có mà vẫn hoạt động hiệu quả. Chính từ ngay lúc đó bản thân mình ý thức được việc là không nên khuyên và nói đại khái là “PHÁN” người khác làm cái này hay làm cái kia khi chưa có trải nghiệm và hiểu biết về vấn đề đó. Vì bạn có thể rất giỏi trong chuyên môn này hay mô hình này, nhưng với mỗi một mô hình kinh doanh khác, nguồn lực của công ty khác nhau thì cách ứng dụng cũng khác nhau.
Sáng nay, ngồi với người anh mà mình rất quý, anh đã lăn lội làm trong lĩnh vực thời trang 20 năm, đến thời điểm hiện tại anh và doanh nghiệp có chỗ đứng trên thị trường. Anh chia sẻ với mình “Em làm tư vấn thì việc đưa ra những tham vấn cực kỳ quan trọng cho doanh nghiệp, bởi vì nó quyết định rất nhiều, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ mở cửa hàng. Nên những quyết định đó em tự hỏi bản thân mình đã từng làm những dự án tương tự như vậy hay chưa? Đã hiểu rõ nguồn lực của đối tác đang ở mức nào …Và chính bản thân người chủ của doanh nghiệp em tư vấn họ đang ở mức nào luôn. Và luôn nhớ là phải đặt cái tâm của mình và các dự án em đang làm và coi em như một đồng sáng lập để trăn trở đồng hành cùng họ”.
Trước giờ có nhiều bạn bè anh chị hay gọi mình là chuyên gia nhưng bản thân mình thấy vẫn còn nhiều thứ phải học nên cứ gọi vui là anh “Công Nhân Mặt Bằng” cứ cặm cụi làm tốt và cực đoan cái mình đang làm (từ công nhân mình lấy ý từ người thầy mà mình ngưỡng mộ, kakaka).
Theo mình “Chuyên gia” là những người có kiến thức và kỹ năng chuyên môn cao trong một lĩnh vực nào đó. Họ có thể làm tốt công việc của mình, nhưng không có nghĩa là họ luôn đúng. Kiến thức và cách làm của họ phản ánh tình huống mà họ đang đối diện tốt nhất. Tuy nhiên, môi trường và tình huống của mỗi người là khác nhau. Do đó, những kiến thức và cách làm của chuyên gia không phải lúc nào cũng áp dụng được cho tất cả mọi người.
Ví dụ, một chuyên gia marketing có thể rất giỏi trong việc xây dựng chiến lược marketing cho các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, những chiến lược marketing đó có thể không phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ.
Để có thể tiếp thu kiến thức và cách làm của chuyên gia một cách hiệu quả, chúng ta cần có tư duy phản biện. Tức là khả năng đánh giá, phân tích lại thông tin một cách khách quan.
Khi tiếp thu kiến thức từ chuyên gia, chúng ta cần đặt câu hỏi:
• Kiến thức này có áp dụng được cho tình huống của tôi hay không?
• Kiến thức này có phù hợp với nguồn lực của tôi hay không?
• Kiến thức này có cần được điều chỉnh để phù hợp với tình huống của tôi hay không?
Ngoài ra, chúng ta cũng cần học hỏi từ kinh nghiệm thực tế. Kinh nghiệm thực tế sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình huống của bản thân và có thể áp dụng kiến thức một cách hiệu quả hơn.
Để lại lời nhắn